
Chạm ngưỡng thiêng liêng tại chùa Vạn Đức: Chánh điện cao nhất Việt Nam
Nằm giữa lòng thành phố Thủ Đức, chùa Vạn Đức là điểm đến lý tưởng để du khách chiêm bái, lễ Phật. Nếu có dịp đến Hồ Chí Minh, hãy ghé thăm chùa để khám phá nét độc đáo của kiến trúc Phật giáo.
Lịch sử hình thành chùa Vạn Đức
Địa chỉ: 502 Tô Ngọc Vân, Tam Phú, Thủ Đức, TP. HCM
Chùa Vạn Đức, một trong hai ngôi chùa lớn nhất Thủ Đức, là một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo, vừa mang vẻ đẹp thẩm mỹ, vừa thể hiện giá trị nghệ thuật tạo hình cao trong kiến trúc hiện đại. Ngôi chùa được xây dựng trên nền một ngôi nhà xưa do một gia đình Phật tử hiến tặng. Năm 1954, sau khi nhận được đất cúng dường, nhà sư Thích Trí Tịnh đã cho sửa chữa ngôi nhà thành chùa. Ông yêu cầu giữ nguyên kiến trúc ban đầu, chỉ thêm phần trước theo kiểu dáng chùa truyền thống. Phía trước chùa thờ Phật, phía sau là nơi thờ Tổ.
Hòa thượng Thích Trí Tịnh viên tịch lúc 9 giờ 15 phút ngày 28 tháng 3 năm 2014 tại chùa Vạn Đức, trụ thế 98 năm. Nhục thân Ngài được an vị tại tháp Phù Thi, gần đó là nhà lưu niệm với pho tượng sáp miêu tả chân thực hình ảnh Hòa thượng đang ngồi tọa thiền.
Sau nhiều lần trùng tu và sửa chữa, nhà chùa bước vào giai đoạn đại trùng tu chánh điện và nhà Tổ vào năm 2004. Sau 2 năm, chánh điện với chiều cao ấn tượng 43,5m hoàn thành, trở thành ngôi chùa có chánh điện cao nhất Việt Nam, được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận.

Tượng sáp Hòa thượng Thích Trí Tịnh tại chùa.

Chùa Vạn Đức cổ kính, trải qua nhiều lần trùng tu.

Chùa nhìn từ trên cao.

Hòa thượng Thích Trí Tịnh viên tịch năm 2014 (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên).
Hướng dẫn đến chùa Vạn Đức
Chùa Vạn Đức nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 15km, gần chợ Thủ Đức (2km). Du khách có thể lựa chọn các phương tiện sau để di chuyển đến chùa:
– Đi bằng xe máy: Từ trung tâm, bạn đi qua cầu Sài Gòn, chạy dọc Xa Lộ Hà Nội về hướng Thủ Đức. Nhìn bên phải, rẽ vào đường Tô Ngọc Vân và chạy thêm một đoạn ngắn là đến chùa Vạn Đức. Chuyến đi mất khoảng 15-20 phút, bạn cần gửi xe ở ngoài cổng và đi bộ một đoạn ngắn vào chùa.
– Đi bằng xe bus: Di chuyển đến chùa Vạn Đức dễ dàng bằng xe buýt số 29 và 141, điểm dừng gần chùa, chỉ mất 2-3 phút đi bộ.
3. Kiến trúc độc đáo tại chùa Vạn Đức
3.1 Kết cấu chặt chẽ mang đậm âm hưởng Phật giáo
Chùa Vạn Đức, do hòa thượng Thích Trí Tịnh khai sơn, tọa lạc trên khu đất rộng rãi được xây dựng bằng bê tông, tường gạch và móng cọc nhồi. Nền chùa và bệ thờ đều được ốp đá granit xám. Nổi bật tại đây là tam quan và điện Quan Âm lộ thiên.
– Tam quan:Chùa được xây dựng ba tầng với mái ngói thanh lưu ly truyền thống, đầu đao trang trí hoa văn sen cách điệu, nóc lưỡng long chầu Pháp luân. Sân chùa rộng rãi, trồng đủ loại cây kiểng và bonsai, tạo nên khung cảnh thanh tịnh.
– Điện Quan Âm lộ thiên: Nằm giữa ao sen xanh mát, đối diện là cội bồ đề rợp bóng. Đặc biệt, khi ghé thăm chùa Vạn Đức vào buổi tối, bạn sẽ thấy điện Quan Âm tỏa sáng lung linh giữa không gian tĩnh mịch.

Điện Quan Âm, chùa Vạn Đức (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên)

Đêm xuống, khung cảnh lung linh huyền ảo hiện lên từ ánh đèn.
3.2 Chánh điện chùa Vạn Đức cao nhất Việt Nam
Chánh điện chùa Vạn Đức cao 43,5m, từ xa trông như một ngọn tháp chín tầng cùng hai tháp nhỏ năm tầng. Tuy nhiên, bên trong chỉ có hai tầng chính, tạo nên kiến trúc độc đáo và ấn tượng.
Tầng trên:
Nội điện thờ Phật, với nhiều cửa sổ và lan can, là nơi tôn nghiêm thờ Phật Thích Ca và Tam thế Phật. Nơi đây tràn ngập ánh sáng, với những ô cửa sổ như đám mây trắng, mỗi ô treo một bức tranh Phật. Đặc biệt, những ô cửa gió hình chữ Phật như những vì sao xoay quanh, tạo nên sự linh thiêng. Hai cầu thang dẫn lên nội điện, được trang trí bởi phù điêu cảnh trời xanh, mây trắng, mang đến cảm giác thanh tịnh cho du khách.
Nét đặc sắc ấn tượng của kiến trúc nội điện là bức phù điêu cội bồ đề và phong cảnh sông Ni Liên Thiền, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là bức phù điêu cây bồ đề đắp nổi lớn nhất nước. Bức phù điêu này được đắp nổi từ xi-măng, tọa lạc tại vách phía sau chánh điện và tái hiện hình ảnh những vị thần Hộ pháp độc đáo.

Chùa Vạn Đức: Nội điện trần cao, mây trắng trời xanh trên phù điêu.
Tầng trệt:
Tầng trệt của chùa Vạn Đức là giảng đường, nơi thuyết pháp cho Phật tử. Sát vách giảng đường là nơi thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma được tạc từ đá cẩm thạch trắng, cùng linh vị hòa thượng Thích Thiện Quang – người có công đặt nền móng cho chùa.
3.3 Tượng Phật nguyên khối ấn tượng
Chùa Vạn Đức cuối năm 2017 hoàn thiện thêm một công trình độc đáo: tượng Phật đá nguyên khối cao 15m đặt trước chánh điện. Đối diện là đài Liên Hoa với tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bên trong, tạo nên điện Quan Âm lộ thiên thanh tịnh.

Tượng Phật đúc nguyên khối.
Hoạt động thường diễn ra tại chùa Vạn Đức
4.1 Lễ Quy Y
Lễ Quy y Tam bảo, thọ trì năm giới là dấu ấn thiêng liêng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường tu học Phật pháp. Với lời phát nguyện chân thành, các Phật tử sẽ được hướng dẫn bởi hòa thượng trụ trì, thấu hiểu ý nghĩa sâu sắc của Quy y Tam bảo và nghi thức truyền giới. Sau khi được truyền trao tam quy, ngũ giới, các thiện nam tín nữ chính thức trở thành những người con Phật, bắt đầu hành trình làm mới bản thân, tu học và hoàn thiện nhân cách, sống đời sống thanh tịnh và giúp ích cho đời.
4.2 Ngày truyền thống tông môn Vạn Đức 17-7-Nhâm Dần
Ngày truyền thống thường niên của tông môn Vạn Đức, được duy trì từ khi cố Đại lão Hòa thượng Tích Trí Tịnh còn tại thế, nay vẫn được gìn giữ, thể hiện tinh thần hiếu đạo của chốn thiền môn. Trong buổi lễ, các Phật tử cùng phúng tụng kinh Phổ Hiền và lắng nghe lại pháp âm của Đại lão Hòa thượng, tưởng nhớ công đức của ngài.

Pháp âm Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh – Lễ truyền thống Vạn Đức
4.3 Không gian ấn tượng mỗi dịp Tết đến xuân về
Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, chùa Vạn Đức như khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ, với những tiểu cảnh độc đáo, đậm màu sắc văn hóa truyền thống Việt Nam. Không chỉ lung linh ấn tượng, những tiểu cảnh này còn góp phần tôn vinh, lan tỏa và lưu truyền những phong tục tốt đẹp cho các thế hệ mai sau.
Chùa Vạn Đức như bừng sáng sắc xuân với không gian Tết Việt ba miền được tái hiện sống động. Từ đường hoa rực rỡ, phố lồng đèn lung linh đến chợ nổi miền Tây nhộn nhịp, làng hương Huế cổ kính, từng góc nhỏ đều mang đậm nét truyền thống. Thư pháp, cây ước nguyện, tranh Đông Hồ… góp phần tô điểm thêm cho không khí rộn ràng, khiến du khách như lạc vào thế giới Tết cổ truyền đầy màu sắc.

Chùa rực rỡ sắc xuân với tiểu cảnh Tết.
Lưu ý khi thăm chùa Vạn Đức
Về tác phong:Khi đến chùa Vạn Đức, hãy ăn mặc giản dị, nghiêm túc, tránh trang phục màu mè, hở hang. Lời ăn tiếng nói cũng cần lịch sự, tránh suồng sã, chửi tục, giữ gìn không khí trang nghiêm nơi đây.
Về việc sắp lễ: Hải Âu Travel khuyên bạn nên chuẩn bị mâm lễ ở nhà để chủ động và tránh bị ép giá. Chỉ nên sắp đồ chay để dâng hương.
Tránh xa những chiêu trò mê tín dị đoan trục lợi: Đầu năm, nhiều người xem bói tại chùa. Hãy tỉnh táo, đừng tin lời bói toán, tránh mất tiền oan và thêm phiền muộn.

Tháp chùa Vạn Đức sừng sững, dễ nhận diện.
Chùa Vạn Đức, tọa lạc giữa lòng Sài Gòn, mang đến cho du khách không gian thanh tịnh, yên bình. Kiến trúc quy mô và độc đáo của ngôi chùa là minh chứng cho nghệ thuật tạo hình tinh tế, góp phần làm phong phú thêm bản đồ du lịch Sài Gòn.
Nguồn: Tổng hợp.